Câu chuyện sản phẩm Gối kết hôn tơ sen
- Thu, 10 / 2023
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận sinh ra và lớn lên tại xã Phùng xá, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, nơi có truyền thống lâu đời trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ nhỏ bà đã sống trong hương nồng của tơ lụa, hình ảnh người bà, người mẹ kẽo kẹt bên khung cửi đã hun đắp cho tình yêu nghề của bà từ đó. Khi lên 5 – 6 tuổi, bà đã được bố mẹ truyền cho đam mê, được chỉ bảo tận tình trong từng khung đoạn vì thế mà tình yêu đó ngày càng lớn hơn. Khi lập gia đình, chồng bà cũng là dân nhà nòi về tơ lụa, bà như được tiếp thêm lửa đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề.
Năm 2017, đoàn công tác của Đại biểu quốc hội Hà Nội đã đến thăm xưởng sản xuất dệt lụa tơ tằm của bà đã gợi ý về việc nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm lụa bằng tơ sen. Trong chuyến thăm đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tặng bà một chiếc cốc in hình bản đồ Việt Nam, trên chiếc cốc in hai câu thơ mà bà vô cùng tâm đắc:
“Sao cho đất Việt sáng tên
ver agoraSao cho dân Việt bình yên mọi bề”
Như ngọn đuốc được châm lửa, sau lần đó, bà Thuận đầu tư công sức tìm tòi, nghiên cứu. Bỏ ngoài tai những lời khuyên can từ mọi người, bà tự bỏ tiền mua một mảnh ruộng để trồng sen thử nghiệm. Sau gần 1 năm tỉ mẩn, chiếc khăn tơ sen đầu tiên được dệt thành công từ 4.800 cuống sen, có độ dài 1,7m, rộng 0,25m. Không chỉ mềm mại, những sợi tơ còn có mùi thơm tự nhiên đúng với cái danh viên ngọc quý trong giới vải vóc. Thừa thắng xông lên, bà lại tiếp tục trình làng các sản phẩm từ tơ sen như: Tranh lụa tơ sen và Gối kết hôn tơ sen.
“Những cuống sen sau khi được thu về sẽ phải rửa sạch bùn và gai, cuống càng sạch thì sợi tơ càng trắng đẹp. Sau đó dùng dao khứa xung quanh cuống sen, dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Công đoạn này phải diễn ra khéo léo tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi, hỏng hoàn toàn. Quan trọng hơn, người làm phải để tâm và trái tim vào sợi tơ này thì mới ra được sợi tơ đẹp”, bà Thuận chia sẻ.
Chiếc Gối kết hôn tơ sen buộc trên đó đôi nhẫn cưới gửi tới cho đôi uyên ương trong ngày làm lễ thành thân như lời hẹn ước bên nhau trọn đời. Chiếc gối là biểu tượng cho sự hòa hợp, vĩnh cửu của cô dâu và chú rể, cũng như sự chúc phúc của bạn bè, người thân và sự chứng giám của bề trên dành cho đôi lứa…
Sản phẩm Gối kết hôn tơ sen của Nghệ nhân Phan Thị Thuận không chỉ là một món quà lưu niệm đặc biệt từ tơ sen, mà trên đó còn thể hiện lên hình ảnh biểu tượng quốc hoa Việt Nam. Hoa sen không chỉ là biểu tượng quốc hoa mà còn thể hiện nền văn hóa, vẻ đẹp hòa bình của đất nước con người Việt Nam. Một sản phẩm vô cùng đặc biệt được tạo nên từ tơ sen.

Hơn nữa, việc tận dụng được phần cuống sen bị bỏ đi sẽ góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường. Đặc biệt, sản xuất tơ sen sẽ giúp nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Bà Thuận quan niệm: “Cuộc sống này dù có du nhập những điều mới mẻ và hiện đại nhưng bà vẫn rất coi trọng truyền thống và quá khứ. Bởi hiện đại chẳng tự nhiên mà có, mọi thứ mới mẻ đơn giản cũng chỉ bắt đầu từ những thứ đơn sơ”
Ngoài ra, bà còn truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ thêm đam mê với nghề truyền thống đã có hàng nghìn năm tại Phùng xá, Mỹ Đức. Hàng năm, cứ dịp hè là bà tổ chức các lớp học nghề cho các cháu. Theo bà thì đây là hoạt động ý nghĩa vì vừa tạo công ăn việc làm, vừa giúp các cháu quen và hiểu về nghề của cha ông và nhất là giúp các cháu tránh xa các tệ nạn xã hội. Mỗi dịp hè có hàng trăm cháu được bố mẹ gửi gắm đến với bà thông qua các lớp học đó.
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức đạt được thành công như hiện nay có đóng góp lớn lao của Nghệ nhân Phan Thị Thuận không chỉ cần mẫn làm việc, mày mò sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư mà bà còn chịu khó quan sát, chiêm nghiệm, tự mình trực tiếp thử nghiệm và tìm ra bí quyết với những phát hiện mới. Những sản phẩm độc đáo đã góp phần đưa thương hiệu tơ tằm Việt Nam vươn cao vươn xa hơn nữa trên thị trường Quốc tế.
