CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM KHĂN LỤA TƠ TẰM THÊU TAY

Việt Nam là đất nước có nhiều dòng sông với những cánh đồng bãi bồi rộng lớn, thích hợp cho nghề trồng dâu nuôi tằm. Sinh ra và lớn lên ở làng quê Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội – là cái nôi của làng nghề trồng dâu nuôi tằm, canh cửi. Là đời thứ ba trong gia đình truyền thống theo nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã sớm đắm chìm trong tình yêu dâu tằm như thế.

Dù không nhớ chính xác nghề trồng dâu, nuôi tằm gắn bó với quê hương từ khi nào, nhưng đến nay gia đình bà Thuận đã 4 đời theo nghề. Ngay từ thuở nhỏ, bà Thuận đã có đam mê với việc chăn tằm, ươm tơ, lên 6 tuổi bà Thuận đã được bố mẹ dạy nghề. Nhưng đến năm 1984, ngành dâu tằm bị “thất sủng”, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề. Những tiếng lách cách đưa thoi ngày càng thưa nhặt khi hàng công nghiệp tràn về. Có thời điểm khung cửi giăng đầy mạng nhện, thanh niên rời nhà đi tới các thành phố lớn tìm kế sinh nhai… cả làng chỉ toàn trẻ em và người già.

Song người phụ nữ làng nghề Phùng Xá vẫn nặng lòng với nghề ươm tơ dệt lụa, bà Thuận đã không chấp nhận bị cuốn theo cơn lốc hiện đại hóa ấy. Thương con tằm đến chết còn vương tơ, tiếc công người chăn tằm bao ngày phải ăn đứng, bà Thuận kiên quyết bám trụ với nghề.

Đến nay, nổi tiếng là một nghệ nhân về tơ lụa, bà Phan Thị Thuận tạo ra nhiều sản phẩm đặc sắc từ tơ tằm, bà gửi gắm tình yêu quê hương đất nước thông qua những hình ảnh thân thương, quen thuộc. Trong đó phải nhắc đến sản phẩm “Khăn lụa tơ tằm thêu tay” với hình ảnh Tháp Rùa – Hồ Gươm Hà Nội hay như hình ảnh người con gái Việt với tà áo dài truyền thống, cùng với đó hình ảnh những cánh hoa sen rực rỡ màu sắc, hay những bông hoa đào, hoa mai,…loài hoa thể hiện sắc xuân của Việt Nam cũng được bà tỉ mỉ tạo ra.

Sản phẩm không chỉ đặc biệt bởi hình ảnh thêu tay tỉ mỉ mà còn đặc biệt bởi chất liệu tạo ra những chiếc khăn lụa được tạo ra bởi những sợi tơ tằm của những chiếc kén phế. Những chiếc kén phế thường là những chiếc kén tằm không thể kéo thành sợi tơ mượt, mịn và mảnh hoặc những kén bị những con ngài cắn đứt phần lớn những chiếc kén này đều sẽ bị bỏ đi. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn. Vì thực tế những kén này đều là chất liệu tơ tằm hoàn toàn bền đẹp, không thua kém các kén nguyên. Với sự tâm huyết và sáng tạo của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghĩ ra phương pháp biến những chiếc kén phế này thành những sợi tơ tằm bền đẹp, vẫn đảm bảo sự sáng bóng vốn có của tơ tằm. Cùng với sự tỉ mỉ của mình, nghệ nhân Phan Thị Thuận cần mẫn vê các kén tằm thành sợi. Và kết nối lại với nhau bằng tay. Việc này đòi hỏi sự chú tâm, khéo léo của người làm để cho ra những sợi tơ đều và những gút nối suôn đẹp. Sau đó những cuộn sợi thô này được mắc vào khung cửi gỗ hoàn toàn truyền thống. Để từ đó có thể cho ra đời những chiếc khăn lụa tơ tằm óng ả mang đầy chất cảm.

Sản phẩm ‘Khăn lụa tơ tằm thêu tay’ của nghệ nhân Phan Thị Thuận được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Được sự ưu mến và quan tâm của người tiêu dùng trong nước sản phẩm Khăn lụa tơ tằm thêu tay từng bước tiếp cận tới các thị trường mới…

Bên cạnh tâm huyết với nghề, nghệ nhân Phan Thị Thuận cùng công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội văn hóa tại địa phương và làm tốt công tác từ thiện nhân đạo. Bà đã trực tiếp truyền dạy nghề cho hàng nghìn lao động địa phương và một số tỉnh lân cận, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 thợ. Đặc biệt là những đứa trẻ ở Phùng Xá, bà Phan Thị Thuận vừa là nghệ nhân, lại vừa là người thầy hướng dẫn cho các em tiếp nối nghề truyền thống của vùng quê mình…

Những sản phẩm độc đáo từ lụa tơ tằm của nghệ nhân Phan Thị Thuận đã góp phần đưa thương hiệu tơ tằm Việt Nam vươn cao vươn xa hơn nữa trên thị trường Quốc tế.