Câu chuyện sản phẩm Khăn lụa tơ tằm vẽ tay – Tre Việt Nam
- Mon, 10 / 2022
Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.
Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi,
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu…
“Dù vẫn biết Việt Nam là đất nước bốn mùa cây trái, loài cây nào cũng đẹp, cũng quý nhưng suốt từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trên dải đất hình chữ S thân thuộc đến tận các hải đảo xa xôi,“đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn”. Liệu có loài cây nào trên đất nước Việt Nam ta có sức sống mạnh mẽ và bất diệt hơn cây tre? Liệu có loài cây nào đã được hiện diện oai hùng trong huyền thoại ngay từ những ngày lập nước như cây tre của Thánh Gióng? Liệu có loài cây nào được hiện diện gần gũi trong các câu chuyện cổ tích suốt chiều dài dựng nước như cây gậy trúc của ông Bụt hiền từ? Liệu có loài cây nào đến tận ngày kháng chiến hôm nay vẫn vươn mình chở che cho các anh lính cụ Hồ trên đường công tác, để có nhà thơ cất lời ca ngợi “bóng tre trùm mát rượi” Cây tre vì thế, gắn bó ruột rà với mỗi người dân Việt Nam. Tre hiện diện trong cảnh quan thiên nhiên, tre còn đi vào tâm thức văn hóa dân tộc theo suốt chiều dài lập làng, dựng nước.“Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta giữ gìn một nền văn hóa lâu đời. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp”.
Từ ý nghĩa đó Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã sáng tạo nên những chiếc Khăn lụa tơ tằm vẽ tay mang hình ảnh Tre Việt Nam với mong muốn đưa hình ảnh tre Việt Nam tới nhiều du khách bạn bè quốc tế. Sinh ra và lớn lên tại xã Phùng xá, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội, nơi có truyền thống lâu đời trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ nhỏ bà đã sống trong hương nồng của tơ lụa, hình ảnh người bà, người mẹ kẽo kẹt bên khung cửi đã hun đắp cho tình yêu nghề của bà từ đó. Khi lên 5 – 6 bà đã được bố mẹ truyền cho đam mê, được chỉ bảo tận tình trong từng khung đoạn thì tình yêu đó ngày càng lớn hơn. Khi lập gia đình, chồng bà cũng là dân nhà nòi về tơ lụa, bà như được tiếp thêm lửa đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề.
Hơn 60 mươi năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm với ươm tơ, dệt lụa đã có những lúc bà trải qua những khó khăn do cơ chế thị trường, khi mà các sản phẩm công nghiệp ra hàng loạt, giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng. Tơ lụa Việt mất dần chỗ đứng, nhiều gia đình phải bỏ nghề, kiếm kế mưu sinh. Nhưng với bà, tình yêu nghề, yêu sợi tơ, sợi chỉ đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn, tìm hướng đi mới, hướng chưa ai đi. Nghệ nhân Phan Thị Thuận như người mở đường với muôn vàn khó khăn, để mở ra hướng mới cho tơ lụa Việt. Trải qua bao khó khăn vất vả vừa lo nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất, vừa lo đầu ra cho sản phẩm, những khó khăn ấy càng khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam.
Xu hướng thời trang, nghệ thuật giờ đây phong phú hơn xưa, hàng thủ công được chú ý hơn, hi vọng cũng nhen nhón lên trong bà. Quả đúng như thế, lụa tơ tằm Phùng Xá có tiếng, khách hàng gần xa đưa nhau tìm về, tìm tới bà, như thể tìm thấy cả một vùng tằm tang tưởng chừng đã xa khuất. Đôi người mua làm quà tặng, đôi người mua buôn về Hà Nội hay thành phố, có người lại muốn lụa này giữ hồn cốt mà mang dáng hình khác. Bà Thuận không ngần ngại xắn tay áo, tay dệt, đầu nghĩ suy xem sản phẩm mới sẽ hình thành và sống trong thị trường đầy khó khăn này như thế nào?
Không chỉ được biết đến là người sáng tạo trong dệt truyền thống mà còn được biết đến là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Trong quá trình làm nghề, bà vẫn luôn đau đáu tìm ra những sản phẩm độc đáo, không nơi nào có.
Những chiếc khăn lụa tơ tằm tưởng trừng đã rất quen thuộc bởi những màu sắc tinh tế và những hoa văn màu sắc.
Vẽ tranh trên lụa tơ tằm là một ngôn ngữ hội họa “lạ nhưng không mới”. Tuy nhiên, do độ khó của việc thực hiện và đòi hỏi sự nhẫn nại của người nghệ nhân mà hiện nay, còn rất ít nghệ nhân lựa chọn gắn bó với lụa tơ tằm là thế. Nhưng lụa tơ tằm luôn là một chất liệu đặc biệt truyền thống, chứa đựng bí ẩn phương Đông, và gắn liền với tính cách con người cũng như triết lý sống. Việc tạo ra những bức tranh trên khăn lụa tơ tằm của nghệ nhân Phan Thị Thuận như một dấu ấn báo trước sự phát triển của lụa trong nhịp sống của mỹ thuật đương đại, nghệ thuật. Lần theo những bức tranh đẹp, ý thức thẩm mỹ cao, chúng ta có thể tìm thấy một câu chuyện hay, một cuộc chơi kỳ thú của nghệ thuật, một ý nghĩa đẹp từ những bức tranh lụa tơ tằm đó.
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức đạt được thành công như hiện nay có đóng góp lớn lao của Nghệ nhân Phan Thị Thuận không chỉ cần mẫn làm việc, mày mò sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư mà bà còn chịu khó quan sát, chiêm nghiệm, tự mình trực tiếp thử nghiệm và tìm ra bí quyết với những phát hiện mới. Những sản phẩm độc đáo đã góp phần đưa thương hiệu tơ tằm Việt Nam vươn cao vươn xa hơn nữa trên trường Quốc tế.