Câu chuyện sản phẩm khẩu trang tơ tằm
- Fri, 11 / 2021
CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM KHẨU TRANG TƠ TẰM
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận sinh ra và lớn lên tại xã Phùng xá, huyện Mỹ Đức, Tp Hà Nội, nơi có truyền thống lâu đời trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Từ nhỏ bà đã sống trong hương nồng của tơ lụa, hình ảnh người bà, người mẹ kẽo kẹt bên khung cửi đã hun đắp cho tình yêu nghề của bà từ đó. Khi lên 5 – 6 bà đã được bố mẹ truyền cho đam mê, được chỉ bảo tận tình trong từng khung đoạn thì tình yêu đó ngày càng lớn hơn. Khi lập gia đình, chồng bà cũng là dân nhà nòi về tơ lụa, bà như được tiếp thêm lửa đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề.
. Hơn 60 mươi năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm với ươm tơ, dệt lụa đã có những lúc bà trải qua những khó khăn do cơ chế thị trường, khi mà các sản phẩm công nghiệp ra hàng loạt, giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng. Tơ lụa Việt mất dần chỗ đứng, nhiều gia đình phải bỏ nghề, kiếm kế mưu sinh. Nhưng với bà, tình yêu nghề, yêu sợi tơ, sợi chỉ đã giúp bà vượt qua mọi khó khăm, tìm hướng đi mới, hướng chưa ai đi. Nghệ nhân Phan Thị Thuận như người mở đường với muôn vàn khó khăn, để mở ra hướng mới cho tơ lụa Việt. Trải qua bao khó khăn vất vả vừa lo nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất, vừa lo đầu ra cho sản phẩm, những khó khăn ấy càng khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam.
Ngoài ra, bà còn truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ thêm đam mê với nghề truyền thống đã có hàng nghìn năm tại Phùng xá, Mỹ Đức. Hàng năm, cứ dịp hè là bà tổ chức các lớp học nghề cho các cháu. Theo bà thì đây là hoạt động ý nghĩa vì vừa tạo công ăn việc làm, vừa giúp các cháu quen và hiểu về nghề của cha ông và nhất là giúp các cháu tránh xa các tệ nạn xã hội. Mỗi dịp hè có hàng trăm cháu được bố mẹ gửi gắm đến với bà thông qua các lớp học đó.
Không chỉ được biết đến là người sáng tạo trong dệt truyền thống mà còn được biết đến là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Trong quá trình làm nghề, bà vẫn luôn đau đáu tìm ra những sản phẩm độc đáo, không nơi nào có. Cuối năm 2019, dịch covid 19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm virus tăng cao, tuy nhiên sử dụng khẩu trang bình thường trong thời gian dài có thể gây kích ứng da cho người sử dụng.
Bằng tình yêu nghề truyền thống và những nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền. Những chiếc khẩu trang tơ tằm đầu tiên đã ra đời, khẩu trang được thiết kế sao cho che kín phần mũi và miệng, khi đeo khẩu trang phải ôm sát khuôn mặt, đảm bảo chất lượng khẩu trang có bề mặt thông thoáng, mát mịn. Bên cạnh đó, dây đeo của khẩu trang được may chắc chắn ở bốn góc, đàn hồi tốt giúp việc đeo khẩu trang dễ dàng.
Khẩu trang có 3 lớp, lớp trong cùng là lớp lụa mỏng được dệt bằng tơ, lớp ngoài cùng dệt bằng tơ tằm thô từ những con kén phế để tạo ra phần cứng, ôm sát được mặt làm cho người đeo dễ chịu, và rất thấm mồ hôi để làm da mát hơn. Và đặc biệt là lớp ở giữa là tấm kén phẳng được đan đều từ những con tằm tự dệt. Công đoạn tạo ra tấm kén phẳng không sử dụng bất kỳ chiếc máy nào hết. Vì những chiếc khẩu trang đa phần là làm thủ công nên mỗi ngày 1 người thợ chỉ có thể làm được 10 cái khẩu trang và mỗi chiếc khẩu trang đươc bán với giá 150 nghìn/1 chiếc
Qua nhiều năm hình thành và phát triển, công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức đạt được thành công như hiện nay có đóng góp lớn lao của Nghệ nhân Phan Thị Thuận không chỉ cần mẫn làm việc, mày mò sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư mà bà còn chịu khó quan sát, chiêm nghiệm, tự mình trực tiếp thử nghiệm và tìm ra bí quyết với những phát hiện mới. Những sản phẩm độc đáo đã góp phần đưa thương hiệu tơ tằm Việt Nam vươn cao vươn xa hơn nữa trên trường Quốc tế.